Cách chọn lựa ống nhòm phù hợp với nhu cầu sử dụng

Cách chọn lựa ống nhòm phù hợp nhất với từng nhu cầu sử dụng khác nhau

Liên hệ

Mã sản phẩm: TV-541

Giao hàng: Chi tiết

Tình trạng: Còn hàng

Liên hệ mua hàng: (024)- 38.535.737 - 0784 619 619 (zalo online 24/24)

Số lượng

Câu hỏi

Tôi muốn chọn lựa một ống nhòm phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng của mình, nhưng có quá nhiều loại ống nhòm và thông tin liên quan khi tham khảo, hãy tư vấn cho tôi loại ống nhòm phù hợp nhất.

 

Trả lời

Đây cũng là câu hỏi mà ThienVanViet nhận được từ rất nhiều người khi tư vấn lựa chọn ống nhòm. Vì vậy, để chọn lựa được ống nhòm phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng, xin coi thêm mục hướng dẫn lựa chọn ống nhòm tùy theo mục đích sử dụng dưới đây:

 

Ống nhòm dành cho mục đích du lịch, đi “phượt” hay đi chơi, đi dã ngoại, ngắm cảnh...

Thường gọi chung là ống nhòm du lịch, hoặc ống nhòm compact, ống nhòm nhỏ gọn. Đặc điểm chung của dòng ống nhòm này là phải đáp ứng được yêu cầu cơ bản và rất quan trọng, đó là: phải gọn và nhẹ, như vậy mới có thể dễ dàng thoải mái cầm nắm trong tay khi di chuyển, vận động lâu dài hay bỏ vừa túi áo khoác và ba lô, hành lý. Đây là điểm mà các loại ống nhòm nhỏ gọn thể hiện ưu thế của mình. Khả năng thu sáng lúc này phải nhường chỗ cho tính cơ động, gọn nhẹ của ống nhòm du lịch, hơn nữa do thời gian sử dụng thường vào ban ngày nên môi trường xung quanh thường đầy đủ, thậm chí dư thừa ánh sáng để quan sát, nên yếu tố thu sáng càng bị đẩy xuống thứ yếu. Do luôn được mang theo để quan sát nhanh trong quá trình di chuyển, nên độ phóng đại cho các loại ống nhòm du lịch cũng chỉ nên dao động từ 7 đến 10 lần, nếu sử dụng ống có độ phóng quá lớn thì ảnh sẽ bị rung lắc, trường nhìn hẹp và khó quan sát hơn rất nhiều. Một số loại phổ biến khuyên dùng: 7x21,8x21, 8x25, 8x30 hoặc 10x30.

 

Ống nhòm dùng cho mục đích quan sát thiên văn

Một ống nhòm quan sát thiên văn tốt sẽ giúp bạn dễ dàng định vị các mục tiêu thiên văn trước khi quan sát bằng kính thiên văn để có thêm chi tiết hoặc thậm chí có thể ngắm luôn các cụm sao sáng bằng ống nhòm. Do tính chất đặc thù của nhiều mục tiêu thiên văn thường khá mờ và tối, các thiết bị quang học luôn phải “chắt chiu” thu nhận từng tia sáng quý giá để tăng cường chất lượng ảnh, nên khi chọn ống nhòm phải lựa ống nhòm tốt để quan sát với chất lượng quang học cao và khả năng thu sáng tốt, hãy chọn lựa các ống nhòm 7x50, 8x56 hoặc 9x63 hay 10x50, 11x80 để tối ưu hóa lượng sáng thu được. Đặc biệt không nên “tham lam” chọn các loại ống nhòm có độ phóng đại lớn hơn như 15x70, 12x50 hoặc 15x56, 16x50… vì khi quan sát bằng những ống nhòm này không những độ sáng và độ nét bị giảm, mà ảnh còn rất rung lắc, trường nhìn hẹp, nhanh mỏi tay và vướng víu cồng kềnh do trọng lượng lớn gây ra, cực kỳ bất tiện và khó chịu. Nếu chỉ quan tâm đến độ phóng đại và độ “hoành tráng” của ống nhòm mà quên đi các yếu tố khác khi quan sát thiên văn, lúc chọn mua chỉ thích ống nhòm to hoặc có độ phóng đại quá lớn, lại còn phải quan sát “chay” chỉ bằng tay không có giá đỡ, bạn sẽ cảm nhận được “ác mộng” thực sự khi quan sát chỉ sau ít phút với rất nhiều phiền toái như: trường nhìn hẹp, ảnh tối và rung lắc,  ống nhòm vướng víu, tay mỏi rã rời, khoảng đặt mắt ngắn làm ảnh vừa nhòe nhoẹt vừa bị mờ do đọng hơi nước gây ra, cảm giác khi quan sát và sử dụng sẽ vô cùng khó chịu...

Vì vậy, hãy để kính thiên văn làm đúng với chức năng của nó là quan sát các vật thể thiên văn chứ không phải “biến tấu” ống nhòm để cố xài khi quan sát thiên văn, trong khi “nhân vật chính” là kính thiên văn nằm bên cạnh lại bị bỏ quên, nhiều người cho rằng sử dụng ống nhòm khi quan sát thiên văn sẽ cho ảnh có chiều sâu và người xem sẽ như được “bơi” trong biển sao bồng bềnh --> thực tế thì đây chỉ là mớ “lý thuyết” suy luận suông, vì trong quan sát thiên văn thực tế, các sao và thiên thể ở quá xa, các chùm sáng tới trái đất được mặc định là các tia sáng song song, nên việc quan sát thiên văn qua ống nhòm kể cả bằng hai mắt cũng chẳng hề có được hiệu ứng ảnh nổi (ảnh có chiều sâu) như nhiều người thường nghĩ (kể cả sử dụng ống nhòm đắt đỏ giá hàng ngàn đô cũng vậy), các đối tượng cũng chỉ sáng hơn đôi chút, chỉ khi quan sát các cảnh vật trên mặt đất trong điều kiện ánh sáng tốt và khoảng cách giữa các đối tượng quan sát có sự thay đổi to-nhỏ theo khoảng cách thì hiệu ứng này mới có tác dụng đôi chút. Một số nơi thường hay giới thiệu rằng quan sát bằng ống nhòm sẽ cho ảnh nét và chi tiết hơn kính thiên văn, điều này là không đúng, vì với cùng độ lớn vật kính, cùng công nghệ chế tạo và chất lượng vật liệu thì kính thiên văn vẫn cho chất lượng ảnh tốt hơn ống nhòm, ảnh nét và trường quan sát của kính thiên văn phẳng hơn rõ rệt, nguyên nhân do ánh sáng thu được trong ống kính thiên văn phải đi qua ít các thành phần kính hơn (giảm được mức độ thất thoát và phản xạ ánh sáng không mong muốn tại các bề mặt phản xạ), đồng thời trong thân ống kính thiên văn thường được chế tạo chống phản quang tốt hơn ống nhòm, kết hợp cùng các lá chắn sáng phía trong nên thường cho ảnh rất trong và nét hơn ống nhòm cùng kích cỡ. Thậm chí ngay cả thị kính thiên văn cũng thường tốt hơn thị kính trên ống nhòm, trừ một số dạng thiết kế thị kính đã ra đời quá lâu như Huygen, Ramsden với các hạn chế về trường nhìn và chất lượng quang học… còn lại thiết kế của các thị kính thiên văn khác thông thường hiện nay đều cho chất lượng ảnh tốt hơn hẳn các thị kính của ống nhòm (từ vật liệu chế tạo, kết cấu thiết kế, trường nhìn, độ nét, độ sáng, khả năng khử quang sai cho tới độ phẳng của trường quan sát đều ưu việt hơn) nên hoàn toàn dễ hiểu khi nhiều loại thị kính thiên văn dù chỉ là 1 chiếc đơn lẻ thôi cũng có giá bán cao đắt gấp nhiều lần một chiếc ống nhòm cao cấp nguyên chiếc.

Mặt khác, hoạt động quan sát thiên văn thường diễn ra về đêm, tiết trời lạnh dễ gây ngưng tụ hơi nước, khi đưa sát mắt vào thị kính sẽ có hiện tượng kính bị mờ nhanh chóng do hơi nước bám vào, hơi nước thoát ra từ hơi thở và mắt người quan sát là điều không thể tránh khỏi, nhưng với các ống nhòm có khoảng đặt mắt dài thì khoảng cách giữa mắt và thị kính ống nhòm khá xa, hơi nước rất khó bám vào nên ít bị hiện tượng mờ đục như các ống nhòm có khoảng cách đặt mắt hạn chế.

Các ống nhòm có độ phóng đại lớn thường lại có khoảng đặt mắt ngắn hoặc rất ngắn. Đây là điểm khó chịu và bất lợi lớn đối với các ống nhòm có độ phóng đại không cân bằng với vật kính, nhưng nhiều nhà sản xuất hoặc người bán hàng thường "giấu" hoặc không muốn đề cập đến khi giới thiệu hoặc quảng cáo sản phẩm.

Không phải lúc nào ống nhòm có độ phóng đại lớn cũng phù hợp cho mục đích quan sát thiên văn.

Cách chọn lựa ống nhòm phù hợp với nhu cầu sử dụng

Vì vậy, ống nhòm khuyên dùng chung cho việc quan sát thiên văn, theo dõi các cụm sao hoặc định vị mục tiêu trước khi sử dụng kính thiên văn là loại 8x40 hoặc 7x50 hay 10x50 là phù hợp nhất.

Trường hợp ống nhòm quan sát thiên văn nếu có sử dụng chân đế đi kèm, thì nên sử dụng ống nhòm cỡ lớn hẳn và phải là loại chất lượng cao, với độ lớn vật kính từ 80mm trở lên, tuy nhiên độ phóng đại cũng chỉ nên dao động từ 20 đến 30 lần, nguyên nhân do các hạn chế mà thienvanviet đã đề cập ở trên, ống nhòm có độ phóng đại càng cao thì khoảng đặt mắt càng ngắn, trường quan sát nhỏ hẹp và ảnh mờ tối và càng khó định vị hơn rất nhiều. Các dạng ống nhòm này cần đi với chân đế chắc chắn ổn định, thường được khuyên dùng khi sử dụng để quan sát một số cụm sao sáng hoặc quan sát mặt đất tại các khu vực thông thoáng vì chân đế của những loại này cũng không hề gọn nhẹ tí nào so với chân kính thiên văn. Nếu điều kiện kinh tế không cho phép chọn lựa một ống nhòm cỡ lớn chất lượng cao với chân đế tốt và ổn định để quan sát thiên văn thì ít nhất cũng nên chọn loại ống nhòm tốt có độ lớn 20x80 trở lên để quan sát thiên văn (độ phóng đại 20 lần, độ lớn vật kính 80mm), đây là thông số mà nhiều người quan sát thiên văn chuyên nghiệp khuyên dùng vì cân bằng được giữa trọng lượng, độ sáng, độ phóng đại, trường nhìn và chi phí tối ưu cho các tác vụ quan sát thiên văn thông thường.

 

Ống nhòm dành cho mục đích săn bắn, câu cá, đi biển, ngắm chim, theo dõi động vật…

Với những ống nhòm dành cho mục đích sử dụng chuyên dụng như trên, bạn cần lựa những loại ống nhòm có mức độ thu sáng khá tốt trở lên.

Với ống nhòm dùng trong môi trường quan sát là sông nước, sóng biển hay trên tàu thuyền thì nên chọn loại ống nhòm có độ phóng đại vừa phải…Các lực lượng hải quân trên thế giới, cảnh sát biển, kiểm ngư hay lực lượng tuần tra hải giới cũng thường chỉ sử dụng loại ống nhòm 7x50, do loại ống nhòm này mang lại đường kính vùng thu sáng rộng lên đến 7.14mm vì vậy đồng tử mắt có thể tiếp nhận tối đa lượng sáng thu được, giúp dễ dàng phát hiện các mục tiêu tối và mờ từ khoảng cách xa, hơn nữa các ống nhòm 7x50 thường mang lại trường nhìn rộng và ảnh có độ ổn định hơn khi đang quan sát trên tàu, bè hoặc môi trường thiếu cân bằng, mặc dù điểm hạn chế là trọng lượng và kích cỡ lớn, nhưng lợi ích và hiệu quả của chúng mang lại vẫn khiến cho ống nhòm 7x50 được sử dụng thường xuyên.

Cũng không ngoại lệ một số trường hợp các ống nhòm cỡ lớn được gắn trực tiếp trên tàu biển hoặc chiến hạm hiện đại để quan sát xa, những loại này có độ phóng đại lớn hơn đôi chút nhưng lại được thiết kế rất đặc biệt với khả năng bù động, chống rung và khả năng đồng bộ hóa với chuyển động của tàu thuyền thông qua hệ thống cảm biến hiện đại kết nối với máy tính. Do tính đặc thù của ống nhòm quan trắc trên tàu bè khác khá nhiều so với ống nhòm thông thường nên thienvanviet.com sẽ đề cập đến những loại này trong các bài đánh giá riêng khác.

Với ống nhòm dành cho mục đích săn bắn: Do đặc điểm của việc săn bắn là phải di chuyển nhiều và cân đối trọng lượng mang theo phải ở mức thấp nhất, vì vậy ống nhòm dành cho mục đích săn bắn thường phải gọn và nhẹ hơn. Một số loại ống nhòm: 6x30, 7x35, 8x30, 9x35 hay 10x30, 10x42… thường được sử dụng phổ biến cho mục đích săn bắn, chúng cho ảnh đủ sáng để phát hiện con mồi trong bóng cây hoặc trong bóng tối mờ và không quá nặng khi mang theo để sử dụng.

Tùy môi trường săn mà chọn loại ống nhòm cho phù hợp, nếu đi săn trong rừng rậm hay khu vực nhiều cây cối, bụi rậm thì nên chọn loại ống nhòm 6x30 hoặc 7x21, 7x35, do khoảng cách quan sát bị hạn chế bởi nhiều chướng ngại vật, vì vậy trường nhìn rộng và độ ổn định của ảnh sẽ được ưu tiên chọn lựa.

Đối với môi trường săn là các khu vực vùng núi cao, đồng cỏ, thảo nguyên hoặc đi tìm ong, tìm chim chóc thì một chiếc ống nhòm 9x35 hoặc 10x40, 10x42, 12x50 là phù hợp nhất.

Với các mục đích săn bắn thông thường hoặc quan sát chung thì cũng chỉ cần một ống nhòm tốt 8x30 và kỹ năng quan sát tinh tế là đủ để định vị con mồi trước khi “One Shot One Kill” rồi.

Với ống nhòm khi sử dụng để câu cá trên ao hồ, bờ sông, kênh rạch hoặc câu đêm thì nên chọn loại 6x đến 8x với trường nhìn rộng là đủ để sử dụng lâu dài.

 

Ống nhòm đa dụng dành cho mục đích quan sát chung:

Trong thực tế, thienvanviet.com nhận được câu hỏi nhờ tư vấn của nhiều người khi chọn lựa ống nhòm về việc: nên chọn loại ống nhòm nào đáp ứng được tất cả các mục đích sử dụng. Tuy nhiên, không thể có loại ống nhòm nào đáp ứng tốt nhất cùng lúc cho tất cả các mục đích quan sát được, nhưng nếu người sử dụng không quá khắt khe và “khó tính” hay không thuộc túyp người yêu thích sự “hoàn hảo tuyệt đối”  thì chỉ cần chọn lựa một ống nhòm đa dụng loại tốt với độ phóng đại phù hợp để sử dụng là ổn, nguyên tắc chung là chất lượng phải tốt và các thông số kỹ thuật của ống nhòm phải cân bằng. Các độ phóng đại khuyên dùng cho mục đích sử dụng chung: 6x,7x,8x,10x hoặc 12x với cỡ vật kính dao động từ 20mm đến 50mm tùy chất lượng và loại ống nhòm.

Khi lựa chọn ống nhòm trong thế giới sản phẩm “vàng thau lẫn lộn”, hãy cân nhắc và chọn lựa sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng, đừng vung tiền qua cửa sổ vì những lời quảng cáo hoa mỹ hoặc từ những nơi bán hàng kém chất lượng, kém uy tín. 

Trong phạm vi bài viết này chúng tôi (thienvanviet.com) chỉ đề cập đến các yếu tố cơ bản của ống nhòm để giúp bạn chọn lựa ống nhòm phù hợp và sáng suốt nhất, chỉ cần nắm rõ các thông tin trên là có thể chọn được chiếc ống nhòm ưng ý cho riêng mình.

Còn rất nhiều yếu tố kỹ thuật chuyên sâu khác về thiết kế, công nghệ chế tạo, thành phần vật liệu, hệ số giãn nở vật liệu, khả năng phản xạ, chiết suất của các thành phần kính quang học, cách điều phối tông màu, sự phân bố dải quang phổ trong đường đi của tia sáng qua mỗi thành phần kính, độ lồi đại, lồi tiểu hay khoảng cách và sự tương hợp, sắp xếp giữa các thành phần quang học ra sao, bước sóng ánh sáng và sự ảnh hưởng của lớp tráng phủ đến chất lượng ống nhòm thế nào, khả năng đo lường mức độ chuẩn tâm (không phải độ chuẩn trực ống nhòm) của hệ thấu kính chính xác đến đâu để mang lại độ nét cao nhất …..Do vậy, thienvanviet.com không thể trình bày được toàn bộ trong bài viết này vì xét thấy chúng không thực sự cần thiết đối với người sử dụng thông thường, chỉ những kỹ sư và chuyên gia quang học với hệ thống máy móc công nghệ cao và thiết bị chuyên dụng mới cần quan tâm đến những vấn đề này khi thiết kế và chế tạo. Trường hợp cần tham khảo kiến thức chuyên sâu về tất cả các thiết bị quang học nói chung, xin hãy liên hệ trực tiếp hoặc gửi mail cho chúng tôi.

Chúc bạn chọn được chiếc ống nhòm tốt như ý.

 

Bài đánh giá được viết bởi Nhóm tác giả là các chuyên gia quang học của ThienVanViet.com, kết hợp tham khảo thông tin và biên dịch các tài liệu nước ngoài từ nhiều ngôn ngữ của rất nhiều tác giả và các kỹ sư quang học, vật lý trên thế giới. Cần ghi rõ nguồn khi trích dẫn hoặc sử dụng.

Xin trân trọng cảm ơn!

WEBSITE THÀNH VIÊN

Thienvanvietnam Kiến thức cần biết khi chọn thiết bị quang học Sửa chữa các loại máy đo khoảng cách SỬA CHỮA CÁC LOẠI ỐNG NHÒM