Chú giải các bộ phận của ống nhòm và công dụng

ThienVanViet.com chú giải các bộ phận của ống nhòm và công dụng của từng bộ phận.

Liên hệ

Mã sản phẩm: TV-542

Giao hàng: Chi tiết

Tình trạng: Còn hàng

Liên hệ mua hàng: (024)- 38.535.737 - 0784 619 619 (zalo online 24/24)

Số lượng

Câu hỏi

Tôi muốn tìm hiểu các bộ phận của ống nhòm bằng cách nhìn đánh giá cảm quan bên ngoài, hãy chỉ giúp tôi phân biệt và nêu rõ công dụng của từng bộ phận.

 

Trả lời

Ống nhòm là thiết bị quang học thông dụng nhất, được nhiều người biết tới và sử dụng, tuy nhiên không phải ai cũng phân biệt được các bộ phận và công dụng của chúng, trong phạm vi câu hỏi này ThienVanViet.com sẽ giải đáp các thắc mắc trên theo hướng dễ hiểu nhất.

Đối với một chiếc ống nhòm dù là loại một mắt hay hai mắt thì vẫn cần có các bộ phận thiết yếu để cấu tạo nên một chiếc ống nhòm hoàn chỉnh. Các bộ phận đó bao gồm:

Vật kính

Là bộ phận nằm phía trước của ống nhòm, gần về phía vật quan sát nhất, là thành phần thấu kính có đường kính lớn nhất trong toàn bộ ống nhòm, vật kính có tác dụng thu nhận chi tiết về hình dạng, màu sắc và ánh sáng từ đối tượng quan sát, từ môi trường rồi chuyển tới các thành phần kính kế tiếp của ống nhòm, vì vậy vật kính ống nhòm có ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng ống nhòm, vật kính tốt là một trong những nhân tố chủ đạo đóng góp vào chất lượng quang học của ống nhòm.

Có nhiều dạng thiết kế của vật kính, mỗi loại thiết kế mang lại chất lượng quang học khác nhau cho ống nhòm như: Vật kính đơn, vật kính tiêu sắc, vật kính tiêu sắc phức, vật kính tiêu sắc phức kèm hệ quang học bổ trợ...

 Hình ảnh vật kính của ống nhòm

Chú giải các bộ phận của ống nhòm và công dụng

 Chú giải các bộ phận của ống nhòm và công dụngChú giải các bộ phận của ống nhòm và công dụng

Thị kính

Là bộ phận nằm phía sau cùng của ống nhòm, gần về phía mắt người quan sát nhất, gồm tổ hợp nhiều thấu kính hoặc nhóm thấu kính ghép thành, thị kính đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ảnh quan sát được, thị kính có rất nhiều dạng thiết kế, tùy thuộc vào dạng thiết kế của thị kính mà chất lượng ảnh quan sát được thay đổi tương ứng, độ nét của ảnh, màu sắc, độ rộng của trường quan sát hay độ phẳng của vùng quan sát đều phụ thuộc nhiều vào chất lượng và thiết kế của thị kính, do thiết kế của thị kính không được các hãng hoặc nhà sản xuất ống nhòm công bố, nên muốn biết thành phần và thiết kế ra sao thì chỉ có các chuyên gia quang học hoặc các máy đo chuyên dụng mới có thể xác định chính xác dạng thiết kế. Ngoài ra, nếu có đôi chút hiểu biết về quang học thì có thể tháo rời các linh kiện của ống nhòm ra để quan sát dạng thị kính, tuy nhiên chúng tôi không khuyến khích việc tự ý tháo rời các linh kiện của ống nhòm, vì sẽ khiến cho độ chính xác của các bộ phận không còn tốt hoặc rất dễ bị vỡ hỏng trong quá trình tháo lắp.

 

Ống kính

Ống kính của ống nhòm là thân ống dạng trụ tròn hoặc vuông để chứa tất cả các thành phần quang học của ống nhòm, tùy theo chất lượng và thương hiệu của từng loại ống nhòm mà thiết kế và vật liệu chế tạo của thân ống kính cũng khác nhau, các vật liệu phổ biến sử dụng để chế tạo thân ống kính là chất dẻo tổng hợp, sợi carbon, kim loại nguyên khối hoặc hợp kim đúc...Vật liệu chế tạo và kết cấu thân kính ảnh hưởng lớn đến trọng lượng của ống nhòm. Các nhà sản xuất ống nhòm tùy theo mục đích sử dụng và phân khúc sản phẩm mà chọn lựa thân ống kính cho phù hợp.

Một số dạng thiết kế và minh họa thị kính ống nhòm

Chú giải các bộ phận của ống nhòm và công dụng

 

 Chú giải các bộ phận của ống nhòm và công dụng

Trục ống nhòm

Bao gồm trục quang học và trục cơ học.

Trong đó: trục quang học là đường thẳng chạy xuyên suốt tâm của hệ các thấu kính trong thân ống nhòm, yếu tố này thường chỉ được quan tâm bởi nhà sản xuất hoặc các kỹ sư quang học khi thiết kế và chế tạo ống nhòm, người sử dụng bình thường không cần thiết phải quan tâm quá sâu đến cơ cấu và đường đi của trục quang học, vì khả năng can thiệp được vào hệ trục quang học của ống là rất hạn chế, nếu không có kỹ năng và kinh nghiệm mà cứ cố can thiệp vào hệ trục quang học sẽ khiến cho chất lượng quang học của ống nhòm giảm sút nghiêm trọng, thậm chí làm cho ống nhòm không thể sử dụng được nữa.

Trục cơ học: Là bộ phận cơ khí giúp ghép hai thân ống nhòm với nhau thường được chế tạo bằng thép hoặc vật liệu chịu lực để đảm bảo độ bền chắc khi sử dụng, trục cơ học có thể là loại trục đơn (1 trục) hoặc trục kép (2 trục), trong thân trục thường được ghép thêm bộ phận giúp ống nhòm gắn với chân đế của máy ảnh hoặc máy quay phim để tăng cường độ ổn định khi quan sát.

 

Bộ phận chỉnh nét

Đây là bộ phận giúp lấy nét cho ống nhòm khi quan sát, tùy thuộc vào khoảng cách và đối tượng quan sát mà điều chỉnh lấy nét sao cho phù hợp nhất.

Có các dạng chỉnh nét khác nhau dành cho ống nhòm như chỉnh nét kép, chỉnh nét độc lập, chỉnh nét tự động, chỉnh nét điện tử, chỉnh nét hỗn hợp....Tùy thuộc vào yêu cầu sử dụng và phân khúc sản phẩm mà các nhà sản xuất tích hợp dạng chỉnh nét phù hợp, cụ thể như sau:

Chỉnh nét kép (hay còn lại là chỉnh nét trung tâm - Central focus): là dạng thiết kế chỉnh nét giúp lấy nét cùng lúc cho cả hai bên ống nhòm, đây là dạng chỉnh nét khá phổ biến và thường thấy trên các dòng sản phẩm ống nhòm hiện nay, ưu điểm của thiết kế chỉnh nét này là tốc độ chỉnh nét nhanh, dễ lấy nét, tuy nhiên để đạt độ nét và độ chính xác cao nhất thì cần phải tinh chỉnh thêm trên thị kính sau khi lấy nét.

Chỉnh nét độc lập (hay còn gọi là chỉnh nét riêng biệt - Individual focus)): là dạng thiết kế khi chỉnh nét sẽ cho độ nét độc lập tại từng bên ống nhòm, giúp lấy nét phù hợp với mắt nhìn của bên chỉnh nét đó, sau khi chỉnh nét tốt ở từng bên ống thì đương nhiên cả hai bên ống sẽ cùng nét như nhau. Dạng thiết kế chỉnh nét này có ưu điểm là sau khi chỉnh nét xong thì không phải tiến hành tinh chỉnh lại nữa mà chỉ việc quan sát ngay, tuy nhiên do phải chỉnh nét tại từng bên ống nên tốc độ chỉnh nét sẽ chậm hơn so với thiết kế chỉnh nét kép.

Chỉnh nét tự động: là dạng thiết kế để ống nhòm tự động lấy nét cho ảnh thông qua sự điều chỉnh kéo dài khoảng lấy nét mặc định của hệ thống quang học trong ống nhòm, dạng thiết kế này ít phổ biến, do nhược điểm là người sử dụng không thể can thiệp vào cơ chế chỉnh nét của ống nhòm nên chất lượng hình ảnh của ống nhòm không được tốt, vì vậy thường chỉ dành cho một số ống nhòm có độ phóng đại thấp hoặc người có nhu cầu sử dụng để quan sát nhanh bằng một tay (quick view). 

Chỉnh nét điện tử: là dạng thiết kế lấy nét cho ống nhòm dựa trên các cảm biến điện tử và thuật toán chuyên dụng giúp lấy nét chung cho ảnh đang quan sát ở các cự ly khác nhau (nguyên lý vận hành tương tự như khả năng tự lấy nét của máy ảnh và camera quay phim), tuy nhiên cũng chỉ một số ít ống nhòm tích hợp dạng thiết kế này, do nhược điểm của thiết kế là cần phải có nguồn cung cấp năng lượng để vận hành, kèm theo đó là hệ thống điện tử và mạch điện kèm theo, khiến cho độ bền của ống nhòm bị kém đi và việc sử dụng ống nhòm gặp nhiều bất tiện, đi kèm với đó là cơ chế tinh chỉnh nét cũng không được tinh tế như dạng chỉnh nét kép và chỉnh nét độc lập.

Chỉnh nét hỗn hợp: là sự kết hợp của các dạng chỉnh nét nêu trên, tùy theo yêu cầu và và môi trường sử dụng mà kết hợp các dạng thiết kế chỉnh nét cho phù hợp. Do vậy, thiết kế chỉnh nét hỗn hợp ít phổ biến trên các loại ống nhòm so với các dạng chỉnh nét khác.

Để biết thêm cách chỉnh nét và cách sử dụng ống nhòm, xin xem thêm tại Đây

 

Bộ phận tinh chỉnh nét

Bộ phận tinh chỉnh nét: giúp nâng cao độ nét của ống nhòm sau khi lấy được nét, bộ phận này thường nằm ở một bên của thị kính, cá biệt có một số ống nhòm thiết kế bộ phận tinh chỉnh này nằm trên trục ống nhòm hoặc cạnh nút chỉnh nét chính.

 

Khu vực hiển thị thông số

Khu vực hiển thị các thông số ống nhòm thường nằm trên thân ống hoặc gần thị kính, tùy theo dạng thiết kế và thương hiệu mà vị trí hiển thị cũng khác nhau.

 

Thước đo khoảng cách hai ống nhòm

Thước đo khoảng cách (độ mở) của hai bên ống nhòm: có dạng đĩa tròn hoặc thanh trượt chia vạch, bộ phận này thường nằm gần khu vực bộ chỉnh nét, được chia vạch rõ ràng, giúp người sử dụng nhanh chóng điều chỉnh khoảng cách hai ống nhòm khớp với khoảng cách hai mắt một cách tối ưu nhất, do khoảng cách hai mắt của mỗi người là khác nhau, nên khi sử dụng ống nhòm, cần chỉnh sao cho cả hai bên ống nhòm có độ mở trùng với khoảng cách hai mắt để đảm bảo chất lượng khi quan sát được tốt nhất.

Ngoài các bộ phận chính như trên, trên một số ống nhòm đặc biệt còn một số bộ phận khác như: kính lọc tia cực tím, kính lọc chống lóa, la bàn định hướng, bộ phận đo khoảng cách, thước ngắm, tai che sáng hoặc các bộ phận kết cấu quang học phía trong có sự khác nhau tùy theo từng loại... Các bộ phận này được tích hợp tùy theo yêu cầu sử dụng của ống nhòm, người sử dụng cho các mục đích chung thông thường nếu như không cần sử dụng đến thì cũng không nhất thiết phải trang bị thêm các bộ phận này.

Trên đây là các bộ phận của ống nhòm và các đặc điểm chính cũng như công dụng của chúng, việc nắm rõ và phân biệt được các bộ phận của ống nhòm sẽ giúp các bạn có thêm thông tin khi chọn lựa và phân biệt ống nhòm được hiệu quả nhất.

 

Trân trọng!

Nhóm tác giả: ThienVanViet.com

Cần ghi rõ nguồn nếu trích dẫn. Xin cảm ơn!

 

 

WEBSITE THÀNH VIÊN

Thienvanvietnam Kiến thức cần biết khi chọn thiết bị quang học Sửa chữa các loại máy đo khoảng cách SỬA CHỮA CÁC LOẠI ỐNG NHÒM